Từ vựng Tiếng_Việt

Từ vựng tiếng Việt được chia ra thành hai bộ phận lớn: từ thuần Việttừ mượn. Ngoài ra còn có những từ hỗn chủng, là kết quả của sự kết hợp các yếu tố thuần Việt và ngoại lai.

Từ thuần Việt

Bài chi tiết: Từ thuần Việt

Từ thuần Việt là những từ xuất hiện lâu đời trong tiếng Việt, biểu thị những sự vật, hiện tượng, khái niệm cơ bản nhất trong đời sống hằng ngày. Do có sự tiếp xúc từ rất sớm với các ngôn ngữ nhóm Tày-Thái nên nhiều từ thuần Việt và các từ tương ứng trong các tiếng này có sự giống nhau nhất định về ngữ âmngữ nghĩa.[24]

Trước 1960, một số từ thuần Việt được dùng để đặt tên thông tục cho người trong tầng lớp bình dân, hoặc để tránh bị ma quỷ thần thánh bắt đi. Tại miền Bắc có các tên như "Rụt", "Tằm", "Cột",... nhẹ nhàng hơn thì là "Cu", "Gái",... Tại miền Nam có các tên như "Đực",... Sự phát triển dân trí dẫn đến cách đặt tên thông tục giảm dần.

Từ Hán Việt

Bài chi tiết: Từ Hán Việt

Sự tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Hán bắt đầu khi nhà Hán của Trung Quốc xâm chiếm nước Việt. Quá trình tiếp xúc lâu dài đã đưa vào tiếng Việt một khối lượng từ ngữ rất lớn của tiếng Hán. Giai đoạn đầu, hiện tượng này diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, chủ yếu thông qua đường khẩu ngữ qua sự tiếp xúc giữa người Việtngười Hán, tạo nên một lớp từ có nguồn gốc Hán cổ mà ngày nay đã hoà lẫn với các từ thuần Việt.[25] Đến đời Đường, tiếng Việt mới có sự tiếp nhận các từ ngữ Hán một cách có hệ thống qua đường sách vở. Các từ ngữ gốc Hán này chủ yếu được đọc theo ngữ âm đời Đường tuân thủ nguyên tắc ngữ âm tiếng Việt gọi là âm Hán–Việt. Khi được đưa vào tiếng Việt, bên cạnh việc bị thay đổi về mặt ngữ âm, nhiều từ Hán Việt bị thay đổi cả ngữ nghĩa.[25]

Từ Hán-Việtchiếm một phần không nhỏ trong vốn từ vựng tiếng Việt. Chúng có vai trò quan trọng, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người Việt ở tầng lớp trung lưu trở lên đặt tên người theo từ Hán Việt như Sơn, Thủy, Phong,... phân biệt với nhóm bình dân "quê mùa" đặt tên theo tiếng thuần Việt như Núi, Nước, Gió,... Tuy nhiên, nhiều người nổi tiếng có xu hướng đặt các nghệ danh theo tên Hán Việt, thường được báo chí Việt Nam gọi là các tên kêu, các mỹ từ như Nhật Kim Anh, Lý Nhã Kỳ, Phan Đinh Tùng, Quang Lê, Ngô Kiến Huy...

Nhờ cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt việc sử dụng từ Hán Việt đã có sự chọn lọc, có xu hướng thay thế bằng từ thuần Việt khi có thể. Trong bức thư gửi cho Hồ Mộ La vào năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Răng không kêu chú là chú Minh, lại kêu bằng “Minh thúc”. Tiếng ta có, thì nên dùng tiếng ta, như rứa phổ thông hơn, phải không cháu?"[26]. Hồ Chí Minh cũng đề xuất thay thế các từ "giám mã" bằng "giữ ngựa"...

Từ có nguồn gốc Ấn–Âu

Bài chi tiết: Từ mượnVinish

Kể từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, tiếng Pháp đã có ảnh hưởng đáng kể đến tiếng Việt và các từ ngữ gốc Pháp thâm nhập khá nhiều vào tiếng Việt, chỉ sau từ Hán-Việt. Sự ảnh hưởng này là do tiếng Pháp được sử dụng trong các văn bản, giấy tờ của Nhà nước và trong giảng dạy ở nhà trường, cũng như trong các loại sách báo khác. Ảnh hưởng này kéo theo sự xuất hiện của nhiều từ gốc Pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong khoa học kỹ thuật.

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng đáng kể của Liên Xô. Do đó, một số từ ngữ gốc Nga có điều kiện du nhập vào tiếng Việt. Đồng thời, cùng với sự tiếp xúc, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trong tiếng Việt cũng xuất hiện các từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Anh.

Nhìn chung, khi được đưa vào tiếng Việt, những từ này được Việt hoá về mặt âm đọc (thêm thanh điệu, thay đổi âm hoặc giảm bớt âm tiết). Do vậy, những từ đơn âm tiết (hoặc được đơn âm hoá), vay mượn qua khẩu ngữ dễ dàng thâm nhập vào tiếng Việt. Trong khi đó, những từ có hai hoặc nhiều âm tiết trở lên, được vay mượn thông qua sách vở vẫn còn dấu ấn ngoại lai.[27] Đặc biệt, nhiều từ được vay mượn nguyên dạng nên tạo không ít khó khăn trong cách phát âm.

Từ có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số

Là một nước đa sắc tộc với 54 dân tộc được công nhận, tiếng Việt phổ thông tiếp nhận một phần tiếng dân tộc thiểu số, gồm từ thông dụng và tên riêng của người hay địa vật, và các từ này có thể có vần "phi Việt". Quá trình này diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ. Dựa theo tên người/danh xưng đăng tải trên báo chí và các địa danh trên các bản đồ hành chính, chúng ta có thể phân loại các cách nhập tiếng dân tộc thiểu số như sau [28]:

  1. Từ tiếng nói của hầu hết các dân tộc từ Quảng Bình trở ra, đã cư trú lâu đời cùng người Kinh và/hoặc thuộc vùng Văn hóa Đông Á, như người Mường, Tày, Nùng, Thái,... thì họ tên người thì theo từ Hán Việt như các họ "Triệu", "Đàm", "Cầm", "Đèo",..., còn địa danh thì theo ghi âm như "Nậm", "Huổi/ Khuổi", "Pắc",... Đôi khi sự giao lưu với người Kinh dẫn đến những tên hỗn hợp như Hang Bua (tên tiếng Thái là Thẩm Bua, nghĩa là Hang Sen) [29].
  2. Từ tiếng H'Mông thì theo ghi âm mà không theo từ Hán Việt, mặc dù tiếng H'Mông có quan hệ gần gũi với tiếng Hoa. Ví dụ như các họ Vàng (Vương, Vang), Giàng (Dương, Yang),... hay các địa danh như Lao Cai (nghĩa chữ là Chợ Cũ, từ Hán Việt là Lão Nhai 老街), Sa Pa (Sa Pả, nghĩa chữ là Bãi Cát),... Trường hợp loại trừ là họ tên vua Mèo được dùng từ Hán Việt như Vương Chí Sình nhằm thể hiện sự trang trọng.
  3. Từ tiếng nói của các dân tộc ở Tây Nguyên, Nam Bộ,... thì theo ghi âm là chính, như Đăk Lăk, Krông Pắk,... hoặc biến âm như Sóc Trăng, Nha Trang,...

Các chữ và vần "phi Việt" được viết theo hướng dẫn trong Quyết định 240/QĐ "Về tên riêng không phải tiếng Việt" [8], trong đó các chữ cái F, J, W, Z có thể tùy nghi sử dụng.

Từ hỗn chủng

Bài chi tiết: Từ hỗn chủng

Từ hỗn chủng là những từ được tạo thành từ các yếu tố có nguồn gốc khác nhau, như giữa yếu tố thuần Việt và Hán Việt, giữa yếu tố thuần Việt và yếu tố Ấn-Âu. Cùng với sự phát triển của tiếng Việt, các từ hỗn chủng được tạo ra ngày càng nhiều, đóng vai trò quan trọng trong việc diễn đạt các khái niệm mới trong xã hội hiện đại.

Ví dụ:

  • vôi hoá (Hán-Nôm: 𥔦化) – "vôi" là thuần Việt, "hoá" là Hán-Việt.
  • ôm kế – "ôm" là từ tiếng Đức Ohm, "kế" là Hán-Việt.
  • nhà băng – "nhà" là thuần Việt, "băng" là từ tiếng Pháp banque.
  • game thủ – "game" là tiếng Anh, "thủ" là Hán-Việt.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng_Việt http://www.vnemba.org.cn/vnemb.china/zh/nr05070813... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/628547 http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/Hang-Bua-a1099.... http://yn.dongxingnet.com/index.php?m=content&c=in... http://books.google.com/books?id=XN7SHNeZ_ksC&pg=P... http://khoahocnet.com/2011/08/31/lam-van-be-sach-t... http://khoahocnet.com/2011/08/31/lam-van-be-sach-t... http://zpravy.idnes.cz/vietnamci-oficialni-narodno... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11933788c